Lịch sử ngày
8-3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư
bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ
và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ
mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho
chúng.
Căm phẫn trước
sự bất công đó, ngày 8/3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh
đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và
ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng
tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải
nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ
nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền kỹ
nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã
xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia
Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao
động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi
cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà
Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ
quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Năm 1910, Đại
hội phụ nữ quốc tế Xã hội chủ nghĩa họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan
Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ", ngày
đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
- Ngày làm 8
giờ.
- Việc làm
ngang nhau.
- Bảo vệ bà
mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3
trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là
ngày biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh
vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh
phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở nước ta, ngày
8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng dân
tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ nguyên bờ cõi, giang
sơn đất Việt.
Mùa xuân năm
40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước,
trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những
người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia
khởi nghĩa như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà
Bát Nàn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiên (Hà Bắc)…
Cuộc khởi nghĩa
của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh
đạo tài tình của Hai Bà, nghĩa quân đã đập tan chính quyền đô hộ. Tên tướng
đô hộ là Tô Định phải cải trang bằng cách cắt tóc, cạo râu tìm đường tẩu
thoát về nước.
Bà Trưng Trắc
được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu
là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày
nay).
Năm 42, nhà Hán
lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ
khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần này chỉ kéo dài được 2 năm do thế và lực của
ta và địch chênh lệch quá lớn. Hai Bà đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh
dũng để giữ tròn khí tiết của mình, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.
Mặc dù chỉ
giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh
thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho
sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền
cho muôn đời con cháu mai sau.
Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người
Việt Nam:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù
chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền
tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống
gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh
yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên
thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một
triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá
Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên
đường tấn công
Hồ Tây đua
sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng
được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều
với sông!
Trước là nghĩa, sau là
trung
Kể trong lịch sử anh hùng
ai hơn.
Đánh giá về Hai
Bà Trưng, Sử gia Lê Văn Hưu (1230
- 1322), nhà sử học đời nhà Trần tác giả bộ Đại Việt sử ký, bộ quốc
sử đầu tiên của Việt Nam) viết: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn
bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở
Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có
thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau
họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ
cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị
em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”.
Sử gia Ngô Sĩ Liên (nhà
sử học thời Hậu Lê sống vào thế kỷ 15) viết: “Họ Trưng giận
thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ
được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà
sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn
lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì
là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không
vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí
phách cương trực chính đại ấy ư?”.
Hoàng đế Tự Đức viết
trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương
mục” : “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà
hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế
lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu
danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người
khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm ru!”.
Hàng năm, vào
ngày 6 tháng 2 âm lịch là
ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai BàTrưng. Hai Bà Trưng được coi là anh
hùng dân tộc của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn
nhất là Đền Hai Bà Trưng ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và đền Hai Bà Trưng tại
thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội - quê hương của Hai Bà. Ngoài
ra, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) hiện nay vẫn còn miếu thờ Trưng Vương (miếu
này đã được kiểm chứng bởi hai nhà nho đi sứ đó là Nguyễn Thực và Ngô Thì
Nhậm) do những binh tướng của Hai Bà Trưng bị bắt về đất Hán sau
khi khởi nghĩa thất bại lập ra để tưởng nhớ về quê hương và cũng là thể hiện
tinh thần bất khuất của người Việt thời Hai Bà Trưng.
Năm nay, chúng
ta kỷ niệm 101 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2011) và 1971 năm khởi
nghĩa Hai Bà Trưng trong lúc Đảng bộ và nhân dân quận 8 phấn khởi tự hào với
những thành tựu chính trị - kinh tế - xã hội đạt được năm 2010. Đảng bộ và
nhân dân quận 8 ra sức thi đua lập thành tích chào mừng thành công của Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016; góp phần thực hiện thắng
lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của quận và Thành
phố ngay từ ngày đầu, quý đầu năm 2011.
Mỗi cán bộ,
công chức, nhất là cán bộ, công chức là hội viên phụ nữ, hãy phát huy truyền
thống vẻ vang của ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần Hai Bà Trưng, thực
hiện tốt nhiệm vụ công tác, thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ
lớn trong năm 2011.
|